*** Thổ cẩm Thái đang dần hoàn thiện, cập nhật trang này. Mong bạn ủng hộ! ***

Hoa văn trên thổ cẩm Thái

Vào bất cứ bản làng nào của người Thái du khách cũng đều bắt gặp những nếp nhà sàn, trong đó nhà nào cũng có khung cửi ngày đêm lách cách thoi đưa. Đây là nghề truyền thống, người phụ nữ Thái đã được học cách dệt này từ người mẹ, sau đó, thế hệ con cháu cũng được truyền nghề và nghề dệt được lưu truyền ở mỗi gia đình, mỗi làng bản.

Để dệt được một tấm vải thổ cẩm hoàn mỹ đòi hỏi người dệt phải trải qua rất nhiều công đoạn vì chỉ dùng tay và chân. Người dệt phải dùng những nguyên liệu tự mình tạo nên từ trồng dâu, nuôi tằm và cây bông cỏ. Tuỳ vào từng mẫu hoa văn trên tấm thổ cẩm người dệt có thể pha, nhuộm các màu độc đáo khác nhau. Những tấm vải khi dệt lên có thể tạo thành váy, áo, những chiếc gối xinh xắn, dễ thương.

Cầm trên tay mảnh vải thổ cẩm bạn có thể cảm nhận được màu xanh của cây cối, màu vàng, trắng, hồng, đỏ của hoa rừng, màu vàng rực rỡ của ánh nắng mặt trời. Những đường nét hoa văn trên mảnh vải thổ cẩm thể hiện nét đẹp tâm hồn của người phụ nữ Thái. Tính cách và tuổi tác được thể hiện rất rõ trên những sản phẩm thổ cẩm. Với những cô gái Thái đang yêu thì không thể giấu nổi tình cảm của mình bằng những gam màu sáng chủ đạo. Còn những người phụ nữ lớn tuổi thì thiên về những gam màu trầm, về những đường nét rắn rỏi và đậm nét suy tư.

Những bộ trang phục cũng như các vật dụng làm từ thổ cẩm có các mô típ hoa văn kết hợp một cách khéo léo, cân đối và được thể hiện theo phương pháp tượng trưng, giản lược hoá hình tượng động vật, thực vật, đồ vật. Hoa văn trên thổ cẩm chủ yếu diễn tả những tình cảm, suy nghĩ của con người về cuộc sống xã hội và tự nhiên chứ không sao chép nguyên mẫu. Mỗi hoa văn đều có ý nghĩa nhất định trong tổng thể khung hoa văn trên mỗi tấm thổ cẩm. Ví dụ như: hoa văn lốt chân chó, hoa văn trên trán hổ, hoa văn xương cá... Qua đôi bàn tay người phụ nữ, vẻ đẹp thiên nhiên, sinh hoạt cuộc sống hàng ngày được khắc họa trong trang phục thổ cẩm, rồi chính những trang phục ấy lại phục vụ cuộc sống thường ngày của đồng bào dân tộc Thái. Hoa văn ở chân váy của trang phục chủ yếu là chim muông, thú, cỏ cây...người ta truyền tụng nhau rằng: Những hoa văn này thể hiện vẻ đẹp của người phụ nữ Thái đến hoa cỏ, chim muông cũng phải ngắm nhìn và theo bước.

Điều dễ nhận thấy ở hoa văn thổ cẩm người Thái là sự xuất hiện chủ yếu của các con vật, nhưng ở mỗi vùng lại biểu hiện một ý nghĩa, tâm lý, tín ngưỡng nhất định. Chuyện kể rằng: Vào một năm trời hạn hán, đói kém, bản Thái rơi vào cảnh cùng cực. Có gia đình nọ đông con, trong một lần làm cơm mới cúng tổ tiên, vì đói nên những đứa con đã bốc ăn mà quên không rửa tay. Bà mẹ thấy vậy đã lấy đũa đập vào tay các con có ý nhắc nhở. Bất ngờ những đứa con hoá thành khỉ chạy vào rừng. Từ đó, ngày nào bên khung cửi bà mẹ cũng dệt những hoa văn hình khỉ để vơi nỗi nhớ thương con. Ngày nay, một trong những kiêng kỵ của đồng bào Thái là không lấy đũa đập vào tay nhau khi ăn cơm.

Trong các vật dụng sinh hoạt làm bằng thổ cẩm, người Thái đặc biệt quan tâm đến chăn, đệm nằm và đệm ngồi. Mỗi cô gái Thái khi về nhà chồng thường mang theo từ 5 đến 13 bộ chăn, đệm (theo số lẻ 5, 7, 9, 11, 13), ngoài ra còn có vải vóc, vỏ chăn, cạp váy... Tục lệ này còn được thể hiện rất rõ trong đời sống hiện nay của đồng bào Thái

Mỗi vùng, thổ cẩm của người Thái cũng khác nhau. Nếu như thổ cẩm của người Thái vùng Mường Lò (Văn Chấn-Yên Bái) có mầu thẫm hơn, sử dụng nhiều gam màu trầm như hướng tới sự suy tư trăn trở của chiều sâu tâm lý; thì thổ cẩm của người Thái Mộc Châu (Sơn La) lại tươi sáng, rực rỡ, bay bổng như ước mơ, khát vọng. Ngày nay, trong cuộc sống hiện đại, với sự đa dạng của các sản phẩm hàng hóa khác nhau, nhưng trong bất cứ một gia đình người Thái nào, ta cũng cảm thấy sự ấm áp khi bắt gặp những sản phẩm được làm từ thổ cẩm, với những chiếc khăn piêu trên đầu các mẹ, các chị, những chiếc đệm, những tấm rèm che hoa văn cách điệu vẫn được dùng hàng ngày.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét