*** Thổ cẩm Thái đang dần hoàn thiện, cập nhật trang này. Mong bạn ủng hộ! ***

80 năm thổi hồn cho thổ cẩm Thái ở Tây Bắc

Đó là già Mín, mặc dù đã xấp xỉ tuổi 80, cái tuổi được nghỉ ngơi an dưỡng, thế nhưng hàng ngày người phụ nữ Thái này vẫn thoăn thoắt bên khung dệt, tận tuỵ kèm cặp, rèn rũa hàng chục học viên, nhiều khi còn đi hàng trăm cây số vào bản dạy cho chị em dân tộc biết dệt đệm, thêu khăn..., biết gìn giữ và phát triển nghề cổ của tổ tiên để lại.



Theo chân cán bộ tỉnh, chúng tôi đến gặp Già vào một buổi chiều muộn. Trong ngôi nhà nhỏ ở phường Đoàn Kết, thị xã Lai Châu, vừa là chỗ ở vừa là nơi sản xuất, các học viên đã về hết nhưng Già vẫn còn cặm cụi bên khung dệt. Nhìn đôi bàn tay thoăn thoắt theo nhịp thoi đưa, đôi chân chuyển đều theo guồng sợi, không ai nghĩ rằng người phụ nữ dân tộc Thái này đã có gần một thế kỷ gắn bó, say mê, không hề mệt mỏi với việc bảo tồn, phát triển nghề dệt cổ của tổ tiên người Thái.

Cũng như bao cô gái ở bản khác, từ khi mới lên 6, lên 7 tuổi, Già đã được cha mẹ truyền nghề. Cùng với năm tháng, cô Mín trẻ trung, xinh đẹp nhất nhì bản Mẩn- Nậm Xe- Phong Thổ- Lai Châu cũng say sưa học và rèn rũa cách quay sợi, bật bông, phối màu, thêu hoa thật khéo để khi về nhà chồng có chiếc khăn Piêu, bộ chăn đệm thật đẹp tặng bố mẹ chồng và tổ ấm của mình. Nghề dệt đến tự nhiên và gắn bó máu thịt với Mín từ bao giờ không hay, chỉ biết khi đã trưởng thành, là một cán bộ y tế có tương lai và cuộc sống ổn định nhưng chứng kiến nghề dệt của tổ tiên cứ mai một dần, bọn con trai, con gái Thái không còn hay tặng nhau những chiếc khăn, chiếc cóm, hay chiếc túi thêu...mỗi lần hò hẹn, Mín lại thấy buồn như mất mát một điều gì đó.

Bởi Mín thấm thía, nếu như nghề dệt không còn thì bản sắc của người Thái cũng sẽ chẳng còn gì đặc biệt. Và mai này mỗi lần lên Tây Bắc, du khách bốn phương sẽ chẳng còn cảm thấy ấn tượng và tìm được thổ cẩm - món quà kỷ niệm vô giá mang đặc trưng của vùng sơn cước. Hàng ngàn đời nay, nghề dệt và những sản phẩm của nó tồn tại đã minh chứng cho văn hoá độc đáo và tâm hồn vô cùng phong phú của dân tộc Thái. Vì thế văn hoá, con người nơi đây có được người ta nhớ nhiều, nhắc nhiều hay không một phần phụ thuộc vào sự tồn vong của nghề dệt.

Nghĩ là vậy, nhưng mãi đến khi về nghỉ hưu, già Mín mới có điều kiện thực hiện ước mơ mở xưởng dệt, khôi phục, phát triển nghề truyền thống của cha ông. Bắt đầu từ chiếc khung cửi cũ của ông bà để lại, bà lặn lội vượt hàng ngàn cây số về xuôi đón thợ sửa và nâng cấp cho phù hợp. Quyết tâm càng cao khi người chồng - chỗ dựa vững chắc qua đời và đứa con trai duy nhất bị tai nạn phải bỏ dở ước mơ trở thành kỹ sư ở nhà, bà trở thành trụ cột, mọi gánh nặng trong gia đình đều dồn lên vai.

Cuộc sống của 3 mẹ con vô cùng khó khăn, trông chờ cả vào đồng lương ít ỏi và những tấm thổ cẩm nhỏ lẻ bà túc tắc dệt hàng ngày. Để các con có điều kiện tốt hơn, nghề dệt không manh mún mà phát triển mạnh mẽ, không có vốn, bà mạnh dạn vay ngân hàng mở rộng sản xuất.

Tuổi tuy cao nhưng sức khoẻ còn dồi dào, đôi tay còn khéo léo, đường kim mũi chỉ còn tinh luyện, những tấm thổ cẩm bà làm ra đều bán rất chạy. Đặc biệt nhiều mẫu hoa văn cổ bọn trẻ không làm được bà vẫn có thể thêu, sáng tạo, thổi hồn để nó phù hợp với hiện tại và mọi lứa tuổi. Sản phẩm làm ra đến đâu bán hết đến đó, bọn trẻ đua nhau đến học nghề. Có tay nghề lại luôn sáng tạo, bà còn được mời dạy lớp dệt cho gần trăm chị em dân tộc ở Đà Tăm- Tam Đường. Tuổi cao nhưng bà không ngại hàng ngày lặn lội hàng trăm cây số vào bản dạy cho chị em, nhìn các học trò say sưa bên khung dệt bà lại tin tưởng một ngày kia thổ cẩm của người Thái sẽ không chỉ phục vụ người Thái, đồng bào các dân tộc mà nó sẽ có mặt ở khắp nơi trong cả nước thậm chí xuất khẩu sang cả các nước trên thế giới.

Tuy nhiên do điều kiện, mặc dù học viên rất muốn học nhưng hàng ngày phải đi bộ hàng chục cây số, trưa nhịn đói không có gì ăn, nhiều chị nản chí bỏ dở, lớp học cứ thưa dần. Nhiều hôm bà phải bỏ tiền túi mua mì tôm nấu cho học trò ăn, động viên để chị em đi học, giữ lấy nghề cổ.

Lăn lộn nhiều năm thực hiện ước mơ khôi phục nghề truyền thống của tổ tiên, giờ xưởng dệt của bà hàng ngày đã kẽo kẹt tiếng thoi đưa, rộn ràng tiếng quay sợi, có hàng chục học viên học nghề. Các sản phẩm cũng có được thương hiệu và chỗ đứng riêng, có mặt ở tất cả các tỉnh Tây Bắc và các thành phố lớn trong cả nước, doanh thu hàng năm lên tới hàng trăm triệu đồng. Thế nhưng bà vẫn trăn trở, so với nhiều nghề khác, nghề dệt thu nhập vẫn chưa cao, bình quân chỉ 1triệu đồng/ tháng/ người , vì thế nhiều thế hệ học trò đào tạo ra lò nhưng một số em, đặc biệt là những em có tay nghề khá, giỏi lại bỏ đi làm nghề khác. Các em vẫn chuộng thầy hơn thợ vì thế nghệ nhân của nghề dệt không nhiều. Cứ đà này, các sản phẩm dệt của người Thái ra lò sẽ rất khó bứt lên khẳng định thương hiệu và có chỗ đứng vững chắc trong thị trường cạnh tranh đầy khốc nghiệt hiện nay. Và điều làm bà day dứt không kém là cho tới tận bây giờ bà vẫn chưa tìm được chân truyền chính thức. Tuy rất kỳ vọng vào 2 học trò cưng chăm ngoan, khéo léo là Sùng Thị Mào và Sùng Thị Dao nhưng 2 chị đều là dân tộc Mông, hiểu về văn hoá Thái và con người Thái còn hạn chế.

80 tuổi, cái tuổi sắp nhắm mắt xuôi tay về với tổ tiên, nhưng trong bà vẫn đau đáu ước mơ đem thương hiệu thổ cẩm Thái đến với mọi người, mọi miền Tổ quốc để đời sống các dân tộc nơi đây được cải thiện và bản sắc văn hóa độc đáo của người Thái sẽ còn mãi như một nét son nổi bật trong ngôi nhà văn hóa chung của cộng đồng 54 dân tộc anh em.

(Theo ĐCSVN)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét