Trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số từ xa xưa do nhu cầu của cuộc sống đã xuất hiện những nghề truyền thống nổi tiếng và độc đáo. Nghề và làng nghề truyền thống đã vun đắp hội tụ được các nghệ nhân tài trí sáng tạo, những bàn tay vàng làm ra những sản phẩm thủ công tinh xảo, hoàn mỹ vừa có giá trị kinh tế vừa có giá trị thẩm mỹ, văn hóa.
Nghề và làng nghề truyền thống của các dân tộc là môi trường văn hóa - kinh tế - xã hội - công nghệ thu hút nhân tài vật lực, rèn luyện nhân cách đạo đức kích thích sản xuất và tiêu dùng, bảo tồn những tinh hoa bách nghệ. Chính vì vậy việc phát huy nghề và làng nghề truyền thống luôn là một chính sách ưu đãi lớn của Đảng và Nhà nước ta.
Trong quá trình mở đất, lập làng với tính cần cù, bàn tay khéo léo cùng với trí thông minh sáng tạo đồng bào các dân tộc đã hình thành các ngành nghề sản xuất ra vật dụng tiêu dùng, hàng hóa để trao đổi, mua bán và giao lưu giữa các vùng, miền. Những nghề được truyền từ người này sang người khác, đời này sang đời khác mà vẫn giữ được cốt cách, nét đẹp và sử dụng hợp lý có tính phổ biến rộng rãi - đó là nghề truyền thống.
Sản phẩm nghề và làng nghề truyền thống bao gồm vật dụng, đồ dùng cho gia đình, công cụ sản xuất, các sản phẩm phục vụ nhu cầu ăn, mặc, văn hóa nghệ thuật, chữa bệnh chăm sóc sức khỏe, thể dục thể thao, xây dựng các công trình văn hóa xã hội, tiêu biểu như: Nghề dệt, nhuộm, thêu thổ cẩm dân tộc Thái ở Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình, thổ cẩm các dân tộc Tây Nguyên ở Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc; nghề se lanh dệt vải, nghề rèn của người Mông vùng Tây Bắc, Đông Bắc; nghề gốm Chăm Bàu Trúc ở Ninh Thuận, gốm Khmer Nam Quy (An Giang); nghề sản xuất và chế biến rượu Mẫu Sơn (Lạng Sơn) rượu San Lùng, rượu Bắc Hà (Lào Cai), rượu Cần (Hòa Bình, Tây Nguyên); nghề kim hoàn của người Churu (Lâm Đồng); nghề săn bắt và thuần dưỡng voi ở Buôn Đôn (Đắc Lắc); nghề mộc xây dựng làm nhà sàn, nhà rông, nhà dài của các dân tộc thiểu số; nghề chế tác các nhạc cụ dân tộc…
Mỗi một sản phẩm, một nghề, một làng nghề vừa có giá trị làm ra vật dụng vừa thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo của mỗi dân tộc. Những sản phẩm đó được những bàn tay, khối óc người thợ gửi gắm vào đó những phong tục tập quán, tín ngưỡng, nghi lễ, sinh hoạt đời sống cộng đồng. Chính vì vậy, sản phẩm của nghề và làng nghề truyền thống đồng thời là sản phẩm mang đậm dấu ấn văn hóa.
Khôi phục, bảo tồn và phát huy, phát triển nghề và làng nghề truyền thống không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội mà còn góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần và mức hưởng thụ văn hóa cho cộng đồng dân cư, cho đồng bào các dân tộc.
Nghề và làng nghề truyền thống đòi hỏi ở sự tài hoa, khéo léo của đôi bàn tay mà chúng ta thường ví như “bàn tay vàng”. Cao hơn nữa là sự kiên trì, sáng tạo, óc thẩm mỹ để có những sản phẩm tinh xảo và tiện dụng. Chính yêu cầu đó đã rèn luyện đạo đức, tính cách, bản lĩnh người thợ tạo ra sản phẩm mang nét đẹp làng nghề truyền thống.
Trong quá trình hình thành và phát triển các làng nghề truyền thống đã để lại những phong tục tập quán tốt đẹp. Đó là hình thức tôn vinh những người có công với nghề, các bậc tổ nghề, các thầy truyền dạy nghề, truyền bá các kỹ năng bí quyết làm nghề. Các nghề truyền thống và làng nghề truyền thống cũng để lại những hình thức văn hóa tín ngưỡng lễ hội, những sự tích, lời hát điệu múa làm phong phú thêm kho tàng văn hóa dân gian các dân tộc.
Nghề và làng nghề truyền thống là những di sản văn hóa của cha ông ta từ bao đời nay truyền lại. Nghề và làng nghề nếu được khôi phục và phát huy sẽ khơi dậy được những nét đẹp truyền thống, khai thác được tiềm năng sẵn có, tạo ra nhiều của cải vật chất cho xã hội, nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào. Chính vì vậy, chúng ta không thể để mai một nghề và làng truyền thống. Các nghệ nhân, thợ thủ công giỏi… là những báu vật sống có kinh nghiệm lâu năm cần có chính sách hỗ trợ thích đáng, tạo điều kiện về mọi mặt để họ truyền dạy nghề cho con cháu lớp trẻ.
Khôi phục và phát triển nghề, làng nghề truyền thống phải giải quyết cùng lúc vấn đề tăng trưởng kinh tế gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa. Sản phẩm nghề và làng nghề phải phù hợp với đời sống xã hội, sản xuất phải gắn với thị trường tiêu thụ, phải có chính sách hỗ trợ gắn liền với tuyên truyền quảng bá sản phẩm, thương hiệu, gắn làng nghề với những địa danh, địa chỉ văn hóa du lịch. Sản phẩm từ nghề và làng nghề truyền thống không những chỉ tiêu thụ ở thị trường địa phương, khu vực mà còn phát triển rộng ra các vùng miền trên cả nước, càng cần thiết phải vươn ra thị trường nước ngòai. Muốn giới thiệu rộng rãi đòi hỏi sản phẩm làm ra phải có thương thiệu làng nghề. Đó là những điều kiện cần thiết để phát triển nghề và làng nghề, góp phần bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống các dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Mong rằng, những nghề và làng nghề trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số sẽ được gìn giữ và phát triển thành những thương hiệu hàng hóa, có điều kiện mở rộng sản xuất, phát triển thị trường, góp phần nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội của đồng bào các dân tộc.